Trong lúc hàng loạt nhà sản xuất giấy tìm cách cắt giảm sản lượng, thậm chí ngừng sản xuất, thì Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến (Bình Dương) lại đang lo làm sao để có đủ hàng bán.
Hai năm trở lại đây, các doanh nghiệp giấy đang vật lộn với suy thoái kinh tế vì nhu cầu tiêu dùng giấy các loại suy giảm và tồn kho gia tăng. Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy, đến hết năm 2012 lượng giấy tồn kho là 17.000 tấn, tăng 27% so với cùng kỳ. Trong khi chỉ 2 tháng đầu năm nay, theo Bộ Công Thương, lượng giấy tồn kho tăng 33,7% so với cùng kỳ 2012.
Trong khi nhiều nhà sản xuất giấy hiện đang khốn đốn trong kinh doanh do sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, thậm chí phải tạm ngừng sản xuất thì Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến lại đang lo làm sao để có đủ hàng bán. Bởi sản phẩm tấm lợp sinh thái của Đồng Tiến làm từ hộp sữa giấy phế thải giờ này đang bán chạy như tôm tươi.
Một tấm lợp = 8.000 hộp sữa giấy qua sử dụng
Câu chuyện bắt đầu cách đây hơn 2 năm, khi ông Hoàng Trung Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến tham quan một loạt các nhà máy tái chế vỏ hộp sữa ở Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. Thấy sản phẩm này khá thú vị và phù hợp với mình, Đồng Tiến đã quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất mới.
Năm 2011, Đồng Tiến cho khánh thành dây chuyền này, bao gồm 2 máy thủy lực đặc biệt có tổng công suất 50 tấn/ngày, thu hồi bột giấy để sản xuất giấy bề mặt cao cấp cho thùng carton. Ngoài ra, nhôm/nhựa tách ra từ bột giấy sẽ được sản xuất thành mái lợp sinh thái. Dây chuyền sản xuất mái lợp có khả năng sản xuất 12.000 tấm/tháng.
Đây là dây chuyền duy nhất loại này hiện có tại Việt Nam. Theo ông Sơn, sản phẩm tấm lợp sinh thái rất phù hợp với nhu cầu của số đông người tiêu dùng hiện nay vì có thể dùng lợp nhà, làm mái trang trại… vừa bền vừa rẻ, không thấm nước và được bảo hành tới 10 năm.
Sản phẩm rất tiện dụng ở những vùng ven biển và khí hậu nóng, đặc biệt là lợp mái nhà máy hóa chất nơi không khí có nồng độ muối và axit cao vì tính năng cách nhiệt và không bị muối biển hay axit bào mòn. "Tôi rất thích dùng lợp mái các trang trại chăn nuôi như bò sữa, heo, gà vì giảm được tiếng ồn, chống nóng, giúp vật nuôi mau lớn, gia cầm đẻ nhiều trứng hơn", ông nói.
Nhưng quan trọng hơn, ông Sơn quyết tâm làm sản phẩm này vì nó thực sự giúp bảo vệ môi trường. Mỗi tấm lợp mà nhà máy giấy Đồng Tiến làm ra có thể giúp tái chế được đến 8.000 hộp sữa giấy sau sử dụng.
Gom vỏ hộp, đi du lịch nước ngoài!
Vấn đề của Đồng Tiến giờ đây chính là làm sao có đủ nguyên liệu cho nhà máy chạy hết công suất, đảm bảo luôn có hàng bán cho người mua. Vì nguyên liệu là các vỏ hộp sữa giấy phế thải khá sẵn trên thị trường, nhưng cần phải có một hệ thống thu gom liên tục. Chính vì vậy, Đồng Tiến đã cho triển khai 22 trạm thu mua trên toàn quốc, sắp tới sẽ mở thêm nhiều trạm khác ở các tỉnh thành. Từ chỗ bị coi là nguồn rác thải, tốn kém chi phí xử lý, vỏ hộp sữa giấy đã trở thành món hàng bán được cho nhà máy với giá 4.500 đồng/kg tại nhà máy và 3.000 đồng/kg tại các trạm thu mua.
Chị Phan Thanh Huyền, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM, một người chuyên thu gom rác cho biết: "Cứ 2, 3 ngày là tôi thu mua được trên dưới 200 kg vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng. Tôi đã làm nghề này mười mấy năm rồi, nhưng chưa thấy mặt hàng nào lại "nóng" như vậy. Vỏ hộp sữa bây giờ hút hàng lắm, có bao nhiêu cũng bán được hết ngay".
Đồng Tiến đang làm nóng thị trường thu mua hộp sữa giấy tái chế. Công ty này đang ra sức khuyến khích cả một hệ thống từ nhà dân cho đến người thu gom, trạm thu gom rác thải cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Đồng thời, cùng với các đối tác, Đồng Tiến liên tục mở ra các chương trình khuyến mãi độc đáo chưa từng có trước đó nhằm đổi rác… lấy quà.
Từ đầu năm nay cho đến hết tháng 6/2013, chương trình "Thưởng cho người thu gom rác và người thu mua phế liệu" trên toàn quốc quy định với mỗi 10kg vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng bán cho các trạm thu mua, ngoài tiền mặt, người thu gom rác sẽ được thưởng ngay 1 hộp sữa giấy 180ml. Các trạm có lượng thu mua vỏ hộp sữa nhiều nhất sẽ được thưởng nhiều phần quà hấp dẫn.
Theo đó, giải nhất là 2 vé du lịch Singapore - Malaysia trọn gói (6 ngày 5 đêm), giải nhì là 2 vé du lịch Thái Lan trọn gói (5 ngày 4 đêm), giải 3 là 1 tivi LCD 32’ và 7 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 1 tủ lạnh 110 lít. Thậm chí, Đồng Tiến có dự tính tăng mức giá thu mua vỏ hộp sữa giấy trong thời gian tới để khuyến khích đông đảo người dân thu gom vỏ hộp sữa sau khi dùng, vừa góp phần tăng thu nhập, vừa tích cực bảo vệ môi trường.
Vẫn theo ông Hoàng Trung Sơn, công suất thiết kế của dây chuyền tái chế vỏ hộp sữa mà Đồng Tiến đang sở hữu là 50 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện Đồng Tiến chỉ thu gom được trên dưới 10 tấn vỏ hộp/ngày, thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế. Lượng vỏ hộp sữa hiện nay công ty thu gom được trong một tháng chỉ mới đủ làm nguyên liệu sản xuất trong... hai ngày. Vì vậy, người dân không phải lo vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng không có đầu ra.
Công việc làm ăn từ tái chế vỏ hộp sữa giấy của Đồng Tiến sẽ có nhiều thuận lợi, vì hàng năm Việt Nam có đến 20.000 tấn vỏ hộp sữa giấy cần tái chế, một nguồn nguyên liệu khá dồi dào. Vấn đề là Đồng Tiến dám đi trước trong việc kinh doanh này cũng như chuẩn bị cho cả một chiến lược phát triển lâu dài và bền vững.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam nhận định, việc tận dụng nguồn nguyên liệu vỏ hộp sữa để tái chế ra nhiều sản phẩm của những doanh nghiệp như Đồng Tiến hứa hẹn đa lợi ích, khi vừa đem lại hiệu quả kinh tế cho nhà sản xuất và người lao động, vừa tránh lãng phí tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm chi phí xử lý, chôn lấp và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Theo Thế Anh
Doanh nhân/Diễn đàn doanh nghiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét